Đặc điểm Dừa sáp

Theo cảm quan về hình thái (rễ, thân, lá, quày, dạng trái và tình trạng vỏ trái) dừa sáp giống như dừa bình thường. Căn cứ hình dạng, màu sắc trái tại Trà Vinh hiện có tới năm giống dừa sáp: dừa sáp tròn, dừa sáp dài, dừa sáp có cạnh, dừa sáp vỏ xanh, dừa sáp vỏ vàng[1]. Thực tế các cây dừa sáp có dạng trái, màu sắc khác nhau cũng cho cơm dừa dày, mỏng khác nhau. Ban đầu các buồng dừa sáp cơ bản giống dừa thường, sau đó trên mỗi buồng thường có 2-3 trái chiếm khoảng 20-25% có ruột đặc, khác biệt với những trái dừa khác.

Các loại trái dừa nói chung thường trải qua vài giai đoạn. Khi dừa còn non, cơm mềm dẻo, nước ngọt. Khi già thì cơm dừa cứng lại, nước nhạt dần và có thể lên men. Riêng dừa sáp thì sau khi trải qua giai đoạn còn non với cơm dừa và nước dừa, sẽ tiếp tục phát triển dày dần phần cơm dừa lên lấp gần đầy khoảng trống của gáo dừa, chỉ để lại một không gian nhỏ chính giữa với chất lỏng sệt, có mùi thơm đặc trưng. Cơm dừa dạng xốp, mềm và dẻo chứ không còn cứng như cơm dừa của các quả dừa khác[1].

Mỗi buồng dừa sáp thường chỉ cho vài trái sáp, những trái còn lại là dừa thường và giá trị thương mại chỉ ngang với những trái dừa khác. Tuy vậy không phải buồng dừa nào cũng cho trái sáp và thực tế cũng không hiếm trường hợp có buồng vài chục trái mà không có trái sáp nào.

Một số nhà nghiên cứu tại Trung tâm Dừa Đồng Gò (Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu thuộc Bộ Công Thương Việt Nam) giải thích rằng đặc tính dừa sáp là do phấn dừa sáp quyết định. Trái trên cây dừa sáp khi được thụ bằng chính phấn dừa sáp thì mới có khả năng cho cơm dừa sáp. Việc trồng xen canh giữa dừa sáp và dừa thường trong vườn trong đó tỷ lệ dừa thường cao hơn khiến cây dừa sáp khó đậu quả sáp hơn.

Dừa sáp được dùng để chế biến nhiều loại nước giải khát. Cơm dừa được nạo, cho vào máy xay sinh tố đã chế sẵn sữa, đường, cà phê hoặc ca cao, cùng nước đá bào cho thức giải khát bùi, béo, ngọt. Dừa có độ dầu cao hơn dừa thường, mùi thơm đặc trưng hơn nên có thể trở thành đặc tính quý ứng dụng trong việc sản xuất bánh kẹo và các sản phẩm khác đem lại nguồn lợi kinh tế cao. Ngoài ra, như mọi loại dừa khác dừa sáp có thể sản xuất cơm dừa, thạch dừa (nata de coco), mứt dừa, kem dừa, nhựa thu được từ các cụm bông dừa được lên men để sản xuất rượu vang dừa, cơm dừa sấy khô, mụn xơ dừa, than hoạt tính[2].

Từ mức giá ngang dừa thường, trong khoảng từ năm 2000 trở lại đây giá dừa sáp bỗng tăng cao và trở thành loại dừa có giá đắt nhất Việt Nam (chủ yếu do sản lượng cung cấp thấp). Trà Vinh, tỉnh duy nhất trồng dừa sáp chỉ có thể cung cấp khoảng 10 ngàn trái/năm, chưa đáp ứng nhu cầu của du khách mua dùng thử.